Ô nhiễm tiếng ồn là tiếng ồn trong môi trường vượt quá ngưỡng nhất định gây khó chịu cho người hoặc động vật, hay ô nhiễm tiếng ồn còn được hiểu là những âm thanh không mong muốn ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, sinh hoạt và đời sống của con người. Hầu hết nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu có nguồn gốc nhân tạo như tiếng ồn phương tiện giao thông, vận tải, xe có động cơ, máy bay và tàu hỏa. Tiếng ồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, máy móc, thiết bị. Tiếng ồn từ sinh hoạt hàng ngày như loa đài, tivi, thiết bị điện tử, nhà hàng, quán Bar.
Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.
Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Vì vậy, Thiết kế công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp có tính toán đến vấn đề xử lý tiêu âm - cách âm chính là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác hại do tiếng ồn gây ra. Việc xử lý cách âm chống ồn dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản sau:
- Đối với nguồn phát: Giảm thiểu tiếng ồn từ nguồn phát bằng các giải pháp cách ly nguồn phát tiếng ồn, áp dụng các giải pháp giảm chấn, giảm rung hay hấp thụ tiếng ồn tại nguồn phát.
- Đối với không gian kín như phòng thu, phòng họp, phòng làm việc hay lớp học, có thể giảm thiểu tiếng ồn bằng cách tạo không gian kín, tách biệt bằng cách sử dụng các giải pháp và vật liệu cách âm để làm vách ngăn cách với không gian bên ngoài, sử dụng vật liệu cách âm bịt kín các lỗ hổng và hỗ trợ giảm ồn bên trong bằng các loại vật liệu tiêu âm.
- Đối với không gian mở như nhà ga, sân bay, bệnh viện, trường học, nhà xưởng công nghiệp, nhà hàng - Những nơi không thể tạo không gian kín tách biệt với nguồn gây ồn bên ngoài thì giải pháp tối ưu là sử dụng các loại vật liệu tiêu âm bên trong để giảm thiểu âm thanh cộng hưởng, tiếng vang, tiếng dội từ đó giảm những tiếng ồn không mong muốn.
Vậy, những vật liệu cách âm nào nên được sử dụng, và cách sử dụng vật liệu cách âm sao cho đúng? Để hiểu được điều đó, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ khái niệm cách âm là gì? Vật liêu có tính chất như thế nào thì có khả năng cách âm, tiêu âm tốt? Vật liệu cách âm phải đảm bảo 1 trong 2 yếu tố cơ bản sau:
- Phải có khả năng hấp thụ trực tiếp năng lượng âm thanh (
tiêu âm làm giảm năng lượng sóng âm). Vật liệu hút âm cho phép âm thanh dễ dàng đi xuyên vào lớp vật liệu và bị hấp thụ, làm giảm năng lượng sóng âm. Vật liệu tiêu âm đòi hỏi kết cấu có dạng mềm mại, nhẹ, bông xốp (nhiều lỗ), tơi và thông khí, hút âm theo phương thức đa lỗ hút âm, tức là yêu cầu bên trong vật liệu có các lỗ liên thông. Các loại vật liệu tiêu âm có tác dụng hấp thụ âm thanh, tăng cường khả năng cách âm, chúng ta có thể thấy tìm thấy dễ dàng trong một số vật liệu như mút, bông sợi, gỗ tiêu âm v.v..
- Phản xạ âm thanh, không cho năng lương âm thanh xuyên qua. Kết cấu vật liêu cách âm: vật liệu chắc chắn không có lỗ, tỉ trọng cao, (tỷ trọng càng cao cách âm càng tốt), và không thấm nước, hút nước , ngậm nước.